Chiều ngày 13/04 vừa qua tại Bát Tràng, An Thổ Túc phối hợp cùng cộng đồng Cấy Nền Trà Việt tổ chức tọa đàm “GỐM & TRÀ” – sự kiện văn hóa đặc biệt với sự quy tụ của nhiều học giả, chuyên gia, nghệ nhân và người yêu trà – gốm từ khắp nơi. Không chỉ là một hoạt động học thuật, tọa đàm còn mở ra một hành trình văn hóa sống động, nơi gốm và trà cùng cất lời, tái hiện và tôn vinh giá trị truyền thống trong đời sống đương đại.
1.Toạ đàm hội tụ những gương mặt uy tín trong giới văn hóa – nghệ thuật
Sự kiện là điểm gặp gỡ của những nhân vật có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và kinh tế truyền thống, như:
– GS. Phan Văn Trường – Cố vấn thương mại quốc tế của Chính phủ Pháp, tác giả của 8 đầu sách best-seller tại Việt Nam, người sáng lập hệ sinh thái Cấy Nền Trà Việt. Ông chia sẻ sâu sắc về vai trò của trà – gốm trong việc định vị bản sắc văn hóa, cũng như tầm quan trọng của tư duy bền vững trong phát triển giá trị truyền thống.
– Nhà nghiên cứu văn hoá Việt Trịnh Quang Dũng – Nhà khoa học từng gây tiếng vang lớn trong giới Trà khi xuất bản quyển sách Văn Minh Trà Việt.
– Nghệ nhân ẩm thực Quốc gia Nguyễn Cao Sơn – Người đã thực hiện nghi lễ pha trà trong nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là buổi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Tại sự kiện, ông trình diễn nghi lễ pha trà chuẩn mực quốc gia, giúp người xem hiểu hơn về tính thiêng liêng và chiều sâu của nghệ thuật trà đạo Việt.
– Ông Vũ Đình Mạnh – Chủ tịch InoGroup và là người sáng lập thương hiệu trà cụ An Thổ Túc – chia sẻ về hành trình phục dựng trà cụ Việt, đồng thời trình bày tầm nhìn chiến lược để gốm và trà không chỉ là văn hóa tiêu dùng, mà còn trở thành một mô hình kinh tế bản địa giàu tiềm năng.
– Shark Phạm Thanh Hưng – doanh nhân và nhà đầu tư nổi tiếng
Bên cạnh đó, sự kiện còn chào đón hơn 200 khách mời khác là những giáo sư đầu ngành, chuyên gia, nhà nghiên cứu độc lập, các đại biểu đến từ các hợp tác xã trà Thái Nguyên cùng những người yêu trà – tất cả cùng quy tụ về không gian An Thổ Túc để cùng chia sẻ một hành trình văn hóa đầy cảm hứng.
2. Tọa đàm “Gốm và Trà” – Khi những tâm hồn yêu trà hội ngộ
Trong dòng chảy văn hóa Việt, gốm và trà không chỉ đơn thuần là những chất liệu sống, mà chúng như đôi tri kỷ – âm thầm đồng hành, nâng đỡ lẫn nhau qua từng thế hệ. Cùng nhau, chúng kể nên những câu chuyện sâu sắc về đất, về người và về nghệ thuật sống thanh tao, nhẹ nhàng.
Tại tọa đàm “GỐM & TRÀ” tổ chức tại không gian An Thổ Túc, các diễn giả – từ các giáo sư, nhà nghiên cứu đến nghệ nhân và doanh nhân – đều đồng tình khẳng định rằng: trà cụ không chỉ là vật dụng để pha trà, mà chính là “linh hồn” của nghệ thuật thưởng trà Việt. Gốm, với sự mộc mạc, trầm lắng và khả năng tương tác đặc biệt với trà, không chỉ giữ trọn vẹn hương vị mà còn làm giàu thêm chiều sâu cảm xúc trong mỗi lần thưởng trà.
Gốm là thân, trà là hồn. Gốm nâng đỡ trà, giữ lấy khí vị của đất trời, của tấm lòng người trồng và tay người pha. Trà ẩn trong gốm, để từ từ lan tỏa hương thơm và đạo lý sống sâu sắc.
Giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ: “Trà và gốm là hai yếu tố lớn của văn hóa Việt Nam. Khi kết nối với nhau, chúng không chỉ mang giá trị sử dụng mà còn trở thành phương tiện để chuyển tải văn hóa, tâm thức và lịch sử dân tộc.”
Như vậy, sự kết nối giữa trà và gốm không phải là ngẫu nhiên – trà cần một nơi để “trú ngụ,” một không gian để giữ trọn vẹn tinh hoa của mình, và gốm chính là người bạn tri kỷ lý tưởng, hội tụ đủ các yếu tố thổ – thủy – hỏa – khí – thần. Từ những chiếc ấm tử sa giữ nhiệt tinh tế đến chén tráng men thô mộc, tất cả đều phản ánh cái nhìn rất Việt: giản dị mà sâu sắc, mộc mạc mà thanh tao.
Nhà khoa học Trịnh Quang Dũng, người dành nhiều năm nghiên cứu trà Việt, nhận định:“Chúng ta đang viết lại lịch sử trà thế giới. Trà Việt chính là nền móng sinh ra văn minh trà Á Đông. Khi bộ ấm trà gắn liền với văn hóa sử, nó sẽ mang giá trị vượt thời gian.”
Ông nhấn mạnh rằng gốm chính là ký ức của thời gian, là chất liệu lịch sử được lưu giữ trong trà cụ. Mỗi vết nứt, mỗi màu men đều là dấu ấn của thời gian, mang theo chiều sâu văn hóa. Và không có một nền văn hóa trà nào có thể bền vững nếu thiếu đi những bộ trà cụ mang hồn cốt dân tộc.
Từ góc độ của một doanh nhân, Shark Phạm Thanh Hưng chia sẻ với sự tâm huyết: “Với niềm đam mê trà, tôi luôn mang trong mình tham vọng lớn, đó là đưa các tinh túy của đất nước – ra thế giới, không chỉ là cái tên, mà là bản sắc. Tôi thực sự mong muốn tạo ra một thương hiệu trà khiến cả thế giới phải trầm trồ, không chỉ vì trà ngon mà còn bởi câu chuyện đằng sau mỗi lá trà, mỗi cây trà. Những câu chuyện về tuổi đời, sự kỳ công chăm sóc và phát triển của cây trà đã tạo nên một giá trị văn hóa vô cùng quý giá.”
Ông tin rằng để thương hiệu trà Việt có thể vươn ra thế giới, không thể thiếu một hệ sinh thái đi kèm – trong đó gốm không chỉ là nền tảng vật chất mà còn là bản sắc thị giác, văn hóa và tâm hồn của người Việt.
Trong vai trò đồng tổ chức, ông Vũ Đình Mạnh – nhà sáng lập thương hiệu An Thổ Túc – đã có những chia sẻ đầy tâm huyết: “An Thổ Túc không chỉ là một thương hiệu, mà là một tâm nguyện – mang theo khát vọng gìn giữ chất đất, hồn người, và những giá trị truyền thống của dân tộc trong từng món trà cụ thủ công.Với tôi, gốm và trà không chỉ là sản phẩm mà là văn hóa sống, là cốt cách Việt. Tôi mong muốn cùng cộng đồng làm trà, nghệ nhân làm gốm, các thương hiệu trà cụ cùng nhau nâng tầm trà cụ Việt – để không chỉ hiện diện trong đời sống người Việt mà còn bước ra thế giới với một diện mạo đáng tự hào.”
Chia sẻ của ông Mạnh như một lời nhắn nhủ với những người làm nghề về một sự gắn kết giữa người làm nghề, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong hành trình đưa văn hóa trà cụ Việt phát triển bền vững, sâu sắc và trường tồn.
Những chia sẻ, trải nghiệm và cảm xúc của các diễn giả như khẳng định thêm rằng:Gốm và trà – đôi tri kỷ của văn hóa thưởng trà Việt – khi hòa hợp, sẽ tạo nên một không gian sống đậm đà, sâu sắc và rất Việt.
3.Những hoạt động văn hóa trải nghiệm đặc biệt
Điểm nhấn đắt giá nhất của chương trình chính là phần trình diễn đầy cảm xúc của nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Cao Sơn – người đã tái hiện nghi thức pha trà chuẩn mực quốc gia trong một không gian tĩnh lặng và trang nghiêm. Mỗi động tác pha trà của ông đều như một nghi lễ – chậm rãi, chuẩn xác, giàu chất thiền và đầy tính biểu tượng.
Người tham dự không chỉ “nhìn” mà thực sự “cảm” được đạo lý sống được gửi gắm trong từng chén trà: sự lắng đọng, sự giản dị, sự thanh sạch và tâm thế hòa điệu với thiên nhiên. Đây không chỉ là trình diễn mà là một nghi lễ nghệ thuật sống, khơi dậy những gì nguyên sơ và tinh túy nhất trong văn hóa trà Việt.
4. Một sự kiện văn hóa đậm đà bản sắc
Không gian sự kiện được sắp đặt với sự chỉn chu và tinh tế: các bộ trà cụ thủ công được bày biện trang nhã bên những khay trà gốm mộc, trà nương trong tà áo dài nền nã, và hàng trăm khách mời khoác trên mình trang phục truyền thống – cổ phục, tạo nên một bức tranh tổng hòa giữa con người – trà – gốm – thiên nhiên.
“GỐM & TRÀ” không đơn thuần là buổi tọa đàm đơn thuần, mà là tuyên ngôn văn hóa của một thế hệ đang tái kết nối với cội nguồn. Qua lời chia sẻ đầy tâm huyết của các diễn giả, sự thể hiện sống động của nghệ nhân và sự hiện diện đông đảo của người yêu trà – gốm, ta thấy được một điều: trà và gốm không chỉ là chất liệu truyền thống, mà còn là phương tiện để người Việt khẳng định bản sắc và vươn mình ra thế giới.
Tọa đàm “GỐM & TRÀ” khép lại, nhưng dư âm còn vang mãi – như một lời mời gọi đầy tha thiết: hãy trở về với cội nguồn, nâng niu từng giá trị truyền thống, và cùng nhau viết tiếp giấc mơ đưa văn hóa Việt bước ra thế giới.